Cải thiện chất lượng lao động từ đâu?

line
14 tháng 03 năm 2020
   Theo các chuyên gia nguồn nhân lực, lao động VN được đánh giá là khéo léo, thông minh, sáng tạo. Tuy nhiên, theo mặt bằng chung với các nước trong khu vực thì năng suất và chất lượng lao động thấp hơn. 
   Thực trạng trên là do nền giáo dục nước ta còn coi trọng thành tích, bằng cấp; chưa thật sự chú trọng đến đạo đức trong công việc và phát triển kỹ năng mềm. Mục tiêu của giáo dục nước ta nhiều năm qua chủ yếu tập trung cung cấp kiến thức lý thuyết hàn lâm, chưa chú trọng vào kỹ năng thực hành hay đào tạo về kỹ năng thiết yếu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trường ĐH Văn Hiến luôn chú trọng vào kỹ năng thực hành hay đào tạo về kỹ năng thiết yếu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ảnh: Văn Hiến.
   Bên cạnh đó, môi trường làm việc hiện nay đã chứng minh thành tích học tập không phải là yếu tố hàng đầu để đo lường khả năng làm việc của một cá nhân. Kỹ năng làm việc của một lao động trong thế giới hiện đại cần được trang bị thêm nhiều năng lực mềm khác thiên về đạo đức hơn như tính kỷ luật, trách nhiệm, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm…
   Theo các chuyên gia về nhân lực, thị trường lao động VN đang rơi vào tình cảnh “thừa lượng, thiếu chất”. Lao động Việt được đánh giá kỷ luật kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một bộ phận lớn người lao động chưa ý thức rõ rệt về kỷ luật lao động, vẫn tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Bên cạnh đó, là sự thiếu khả năng hợp tác, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
    Bà H.T- chủ doanh nghiệp truyền thông (Q.1, TPHCM) có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng cho biết: “Quá trình tuyển dụng thành công, từ giai đoạn giúp nhân viên hòa nhập môi trường công ty, đào tạo lại cho phù hợp với tính chất công việc diễn ra rất vất vả và khó khăn. Chất lượng lao động qua đào tạo ĐH, CĐ còn thiếu về năng lực thực tế mà trình độ nhận thức, tác phong công nghiệp vẫn còn chưa cao. Nhiều nhân viên trẻ vẫn còn thiếu sự tập trung, tính kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp, từ đó gây ra không ít tổn thất cho công ty. Chính vì vậy mà công ty tôi luôn đặt tiêu chí đạo đức lên hàng đầu khi chấp nhận tuyển dụng một nhân sự. Chỉ cần lao động có nền tảng đạo đức tốt, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ công ty luôn sẵn sàng đầu tư bồi dưỡng và đào tạo sau.”
Đào tạo ĐH, CĐ ngày càng bám sát với nhu cầu thực tế. Ảnh: Văn Hiến.
   Ông Trần Mạnh Thái - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến cũng chia sẻ: “Xu hướng giáo dục nước ta nhiều năm nay đã tập trung vào việc chuộng thành tích, lấy bằng cấp làm thước đo để đánh giá năng lực của một người lao động. Tuy nhiên, thực tế làm việc đang ngày càng thay đổi, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả công việc dựa trên năng suất, tính kỷ luật, kỹ năng mềm và hơn hết là đạo đức sự dấn thân và đam mê với công việc của nhân viên. Nắm bắt thực tế trên, nhiều năm qua trường chúng tôi đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, coi trọng tính ứng dụng, thực tế và đặt trọng tâm rất lớn vào phát triển từng cá nhân, tạo môi trường lý tưởng để sinh viên tôi luyện nhân cách. Để khắc phục thực trạng lao động Việt còn nhiều yếu điểm, đổi mới phương pháp giáo dục đại học chính là yếu tố sống còn, là khâu quan trọng hàng đầu để tạo lập một chuẩn mực chất lượng lao động mới cho đất nước trong tương lai”.