Khoa khoa học xã hội & nhân văn

line
19 tháng 12 năm 2016

1. Ngành Xã hội học (Chuyên ngành Xã hội học về truyền thông - Báo chí; Xã hội học về Quản trị Tổ chức xã hội)
Có thể hình dung xã hội là một cơ thể sống, có lúc khỏe mạnh, có lúc tiềm ẩn hoặc bộc phát những hiện tượng “bệnh lý” làm chậm, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Nhà Xã hội học chính là bác sĩ “khám và chẩn bệnh” xã hội.
Đến với ngành Xã hội học trường Đại học Văn Hiến, sinh viên được trang bị những kiến thức về lý luận, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu những quy luật và hiện tượng xã hội. Ngoài ra, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng, thực hành nhận diện, phân tích các định chế, hiện tượng, sự kiện xã hội, sự vận hành của xã hội và những tác động của chúng đến hành vi con người và đời sống xã hội. 
Ngành Xã hội học trường Đại học Văn Hiến luôn quan tâm điều chỉnh, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Do đó, ngoài các học phần lý thuyết bắt buộc, bộ môn Xã hội học chú trọng rèn luyện kỹ năng cho sinh viên thông qua các học phần kiến tập, thực hành, thực tập tại thực địa; đồng thời bổ sung thêm nhiều học phần phù hợp với xu thế phát triển của xã hội vào giảng dạy cho sinh viên.
Cơ hội việc làm: 
Theo Hiệp hội XHH Mỹ: “Được đào tạo chính quy về Xã hội học có thể là tài sản quan trọng để bước chân vào đủ loại ngành nghề”. Với mục tiêu đào tạo mang tính ứng dụng, sau khi tốt nghiệp cử nhân Xã hội học, sinh viên có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau thuộc các lĩnh vực sau:
Làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng:  phóng viên, biên tập viên tại cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình; nhà xuất bản; các tổ chức chính trị - xã hội - đoàn thể có liên quan đến thông tin, truyền thông; tổ chức sự kiện. 
Làm việc trong lĩnh vực hành chính nhân sự, lĩnh vực kinh doanh, quản lý: điều hành các tổ chức dân sự; quản trị các dự án đầu tư xã hội; chuyên viên quản trị nhân sự; quan hệ khách hàng; thống kê; bán hàng và quản lý khách hàng.
Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn: Nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển bền vững; nghiên cứu thị trường; nghiên cứu và tư vấn truyền thông; điều tra dư luận xã hội.
Làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và phục vụ con người, các trung tâm bảo trợ xã hội: Làm điều phối viên, chuyên viên cho các quỹ phát triển, hoạt động tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện; làm nhân viên công tác xã hội, nhân viên tư vấn xã hội, phát triển cộng đồng.
Làm việc trong lĩnh vực hành chính công từ địa phương đến trung ương: chuyên viên hành chính trong các cơ quan hành chính sự nghiệp (văn hóa, lao động, dân số, giáo dục, y tế, thống kê, dân tộc, dân vận, tuyên giáo), cơ quan Đảng và đoàn thể, cơ quan an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.
Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, viện nghiên cứu: giảng viên, trợ giảng, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; giảng dạy, tập huấn các khóa ngắn hạn cho các tổ chức, cộng đồng có nhu cầu

2. Ngành Tâm lý học 
1.1. Chuyên ngành Tham vấn và trị liệu tâm lý

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay,Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tâm lý của cá nhân và xã hội đòi hỏi phải có một đội ngũ đông đảo các chuyên viên tâm lý hành nghề tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý và quản trị nhân sự. Để đáp ứng được đội ngũ chuyên viên tâm lý nói trên, Đại học Văn Hiến đào tạo hai chuyên ngành là: chuyên ngành Tham vấn và trị liệu tâm lý và chuyên ngành Tham vấn tâm lý và quản trị nhân sự. 
Đến với chuyên ngành Tham vấn và trị liệu tâm lý, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu, từ lý thuyết đến ứng dụng thực hành về tham vấn và trị liệu tâm lý để trở thành những kỹ thuật viên, chuyên viên, hay chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý cho cá nhân, nhóm, tổ chức trong xã hội.
Cơ hội việc làm: 
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tham vấn và trị liệu tâm lý có thể trở thành: 
Giáo viên, chuyên viên tham vấn, tư vấn tâm lý tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Kỹ thuật viên, chuyên viên tham vấn tâm lý và trị liệu trong các bệnh viên tâm thần, bệnh viện nhi, viện pháp y, bệnh viện đa khoa…
Giáo viên giảng dạy tâm lý học trong các trường trung cấp và cao đẳng hoặc tiếp tục học sau đại học, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học để làm giảng viên giảng dạy tại các trường đại học;
Chuyên viên tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý cho cá nhân và nhóm tại các trung tâm, cơ sở tâm lý tư nhân và nhà nước;
Chuyên viên, viên chức trong các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban tuyên giáo và các tổ chức đoàn thể khác;
Giáo viên, huấn luyện viên, chuyên gia, diễn giả về kỹ năng mềm, giá trị sống và các vấn đề tâm lý khác cho cá nhân và các tổ chức xã hội; 
Cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Tâm lí học, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước;
Ngoài ra sinh viên có thể tự thành lập riêng cho mình những trung tâm, tổ chức hỗ trợ tham vấn tâm lý và trị liệu cho cá nhân và xã hội tại các tỉnh, thành trong cả nước.

1.2. Chuyên ngành Tham vấn tâm lý và quản trị nhân sự
Chuyên ngành Tham vấn tâm lý và quản trị nhân sự sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức về tâm lý người lao động, tâm lý học tổ chức, tâm lý học quản lý, tâm lý học kinh doanh… và những kiến thức về tham vấn, trợ giúp tâm lý cho người lao động và tổ chức kinh tế, Ngoài ra sinh viên còn được trang bi những kiến thức về tham vấn tâm lý cho cá nhân và cộng đồng, cho học sinh, giáo viên và tổ chức trường học. Sinh viên được thực hành ứng dụng kiến thức tâm lý giúp dự báo các vấn đề tâm lý nảy sinh và hỗ trợ trợ giúp tham vấn các vấn đề tâm lý cho người lao động, công ty, doanh nghiệp hay của học sinh, giáo viên, tổ chức trường học.
Cơ hội việc làm: 
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tham vấn tâm lý và quản trị nhân sự có thể trở thành;
Quản trị viên nhân sự và tham vấn viên tâm lý trong các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế;
Giáo viên, chuyên viên tham vấn, tư vấn tâm lý tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; 
Giáo viên giảng dạy tâm lý học trong các trường trung cấp và cao đẳng hoặc tiếp tục học sau đại học, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học để làm giảng viên giảng dạy tại các trường đại học;
Chuyên viên tham vấn tâm lý cho cá nhân, người lao động và cộng đồng tại các trung tâm, cơ sở tâm lý tư nhân và nhà nước;
Chuyên viên, viên chức trong các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban tuyên giáo và các tổ chức đoàn thể khác thuộc các cơ quan, đoàn thể nhà của nước, công ty, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Giáo viên, huấn luyện viên, chuyên gia, diễn giả về kỹ năng mềm, những giá trị sống và các vấn đề tâm lý khác cho cá nhân và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong xã hội; 
Cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Tâm lí học, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước;
Ngoài ra sinh viên có thể tự thành lập riêng cho mình những trung tâm, tổ chức hỗ trợ tham vấn tâm lý cho cá nhân, người lao động, cộng đồng và các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành trong cả nước.

3. Ngành Văn học (Chuyên ngành Văn - Sư phạm; Văn - Truyền thông; Văn – Quản trị văn phòng)
Văn học là một trong những ngành học thuộc  Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn nhằm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực khối ngành văn hóa, xã hội và giáo dục cho đất nước. Sinh viên (SV) ngành Văn học tại Đại học Văn Hiến được trang bị những kiến thức nền tảng về lịch sử văn học Việt Nam và một số nền văn học lớn của thế giới; những kiến thức cơ bản về Lý luận văn học; những kiến thức về ngôn ngữ học; những kiến thức và kỹ năng về sư phạm, phương pháp dạy học văn; những kiến thức về báo chí, truyền thông; những kiến thức về quản trị văn phòng. Điểm nổi bật của chương trình đào tạo ngành Văn học của Đại học Văn Hiến là tính tích hợp và tính ứng dụng cao giúp cho sinh viên khi ra trường có rộng đường chọn ngành nghề.
Trên cơ sở hệ thống kiến thức nói trên, ngành Văn học định hướng cho SV đi chuyên sâu vào 3 chuyên ngành: Văn – Sư phạm, Văn – Truyền thông, Văn – Quản trị văn phòng.
Để thực hiện được chương trình đào tạo nói trên, Trường Đại học Văn Hiến đã có một đội ngũ giảng viên có trình độ cao, tận tâm, nhiều kinh nghiệm sư phạm. Đồng thời, trong đào tạo, còn kết hợp giữa dạy lý thuyết với việc thực hành kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện nghiệp vụ. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo đã đáp ứng được chuẩn đầu ra đúng như yêu cầu.
Cơ hội việc làm: 
Sinh viên ngành Văn học sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giáo viên dạy Văn ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các trường dạy nghề; phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản; các cơ quan văn hóa; các thư ký, nhân viên văn phòng tại các công ty, doanh nghiệp, các cán bộ ở các cơ quan hành chính sự nghiệp,… 
Trong những năm qua, trường Đại học Văn Hiến đã mở chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ Văn học Việt Nam. Những SV tốt nghiệp ngành Văn học của trường có thể tiếp tục học Cao học và có cơ hội trở thành cán bộ nghiên cứu, giảng viên ở các Viện nghiên cứu, các trường Cao đẳng và Đại học chuyên ngành Văn học.

4. Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Văn Hiến Việt Nam)
Đến với chuyên ngành Việt Nam học của Đại học Văn Hiến, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và mang tính ứng dụng cao. Đó là những kiến thức về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam như địa lý Việt Nam, lịch sử Việt Nam, kinh tế Việt Nam… Đặc biệt, ngành Việt Nam học của trường Đại học Văn Hiến tập trung, đi sâu cung cấp những kiến thức thuộc lĩnh vực văn hiến Việt Nam, như văn chương, nghệ thuật, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, pháp luật…. Qua đó để thấy những điểm về phẩm chất nhân cách, tính cách, tâm lí, ý thức thẩm mỹ, quan niệm nhân sinh của con người Việt Nam. Ngành Việt Nam học còn nghiên cứu đặc trưng vùng miền và sự phong phú, đa dạng về văn hóa của các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Cùng tham gia giảng dạy với các giảng viên của trường là giảng viên của các Viện nghiên cứu và các trường Đại học có tiếng trong cả nước. Đây là một đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm, không chỉ cung cấp những kiến thức mà còn giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp, như kĩ năng sử dụng tiếng Việt (đối với sinh viên nước ngoài), kĩ năng tổ chức sự kiện, kĩ năng nghiên cứu điền dã, tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch…
Cơ hội việc làm: 
Với những kiến thức phong phú và những kỹ năng nghề nghiệp được cung cấp và rèn luyện trong suốt quá trình đào tạo, khi ra trường, sinh viên ngành Việt Nam học có thể làm việc trong các cơ sở văn hóa, các cơ quan truyền thông, các văn phòng đại diện của các công ty, tập đoàn nước ngoài, các doanh nghiệp du lịch, các công ty quảng cáo và công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Việt Nam học.

5. Ngành Văn hóa học (Chuyên ngành Văn hóa di sản; Văn hóa du lịch)
Văn hóa học (VHH) là khoa học nghiên cứu phức hợp về văn hóa. Chuyên ngành VHH của trường Đại học Văn Hiến là ngành học tích hợp, bao quát nhiều bộ môn nghiên cứu chuyên biệt về văn hóa có tính ứng dụng cao.
Sinh viên học ngành VHH sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và hệ thống về văn hóa như triết học văn hóa, nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, lịch sử văn hóa… Chương trình đào tạo ngành Văn hóa học của trường đại học Văn Hiến được xây dựng theo hướng ứng dụng nghề nghiệp. Do vậy, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng về vấn đề quản lý – bảo tồn văn hóa, vấn đề tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch…
Để thực hiện chương trình đào tạo mang tính ứng dụng nói trên, nhà trường đã có một đội ngũ giảng viên, trong đó có những nhà văn hóa học có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong công tác đào tạo.
Cơ hội việc làm: 
Những kiến thức về Văn hóa học có tính ứng dụng nói trên sẽ giúp những sinh viên ngành VHH sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để làm việc tại các phòng/ban văn hóa của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan quản lý – bảo tồn văn hóa, Viện bảo tàng, Thư viện, …
Những cử nhân VHH còn có thể làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về chuyên ngành VHH, lập các dự án văn hóa - xã hội, có thể công tác trong ngành  du lịch và các công ty tổ chức sự kiện…

Góp ý